Bối cảnh Hội nghị Thành Đô

Cuối năm 1989 cho đến đầu năm 1990, hệ thống Xã hội chủ nghĩa ở các quốc gia Đông Âu kể cả Liên Xô lần lượt bị rạn nứt và suy sụp. Kế tiếp là sự kiện Thiên An Môn, khiến các nước phương Tây đồng loạt công kích và thực hiện chính sách cấm vận một số lĩnh vực đối với Trung Quốc. Những diễn biến này làm cho Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam cũng như Trung Quốc đều lo lắng trước nguy cơ đổ vỡ của chế độ hoặc sự tấn công quân sự của phương Tây. Cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều muốn bình thường hóa quan hệ với nhau, nhấn mạnh nguy cơ xung đột giữa khối tư bản và xã hội chủ nghĩa trong khi gác lại những xung đột trong quá khứ, mặc dù hai bên đã có xung đột trong thời gian dài trong cuộc chiến tranh Biên giới Việt Trung 1979 và ngoài khơi trong Hải chiến Trường Sa 1988.

Quan hệ Việt Trung bấy giờ đã căng thẳng hơn 10 năm. Xúc tiến của Đảng Cộng sản Việt Nam chuyển chính sách sang giai đoạn liên minh "bảo vệ Xã hội Chủ nghĩa" tức là trở lại quan điểm trước kia chia thế giới làm hai khối tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Vì mất hậu thuẫn của Liên Xô, Việt Nam trước hoàn cảnh cô lập, thay vì đối đầu với Bắc Kinh, Hà Nội quyết định phải làm hòa với Trung Quốc để tránh cái họa chiến tranh tái diễn giữa hai nước xã hội chủ nghĩa.[4] Lãnh đạo Việt Nam lấy yếu tố hai nước cùng chung ý thức hệ nên phải liên kết lại, trong khi bỏ qua sự chỉ trích "bá quyền" và "bành trướng" của Trung Quốc được nhấn mạnh bấy lâu.[5] Quan điểm này được thuật lại rõ ràng khi Lê Đức Anh sang Phnom Penh cuối năm 1990. Lê Đức Anh thông báo lại với bộ Chính trị Campuchia, bao gồm Thủ tướng Hun Sen, nội dung cuộc gặp gỡ cấp cao Việt-Trung là: "Mỹ và phương Tây muốn cơ hội này để xoá chủ nghĩa cộng sản. Nó đang xoá ở Đông Âu. Nó tuyên bố là xoá chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới. Rõ ràng nó là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm. Chúng ta (Việt Nam và Campuchia) phải tìm đồng minh. Đồng minh này là Trung Quốc."[6] Kể từ đó nhà nước Việt Nam càng đề cao cảnh giác diễn biến hòa bình trong khi củng cố liên hệ với các nước xã hội chủ nghĩa còn lại.[7]

Theo phân tích của Lý Gia Trung (cựu Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam), việc Trung Quốc muốn bình thường hóa quan hệ với Việt Nam là do các biện pháp trừng phạt của phương Tây sau vụ Thiên An Môn khiến Trung Quốc không còn tin tưởng vào các nước phương Tây nữa. Mối lo ngại ngày càng tăng của ASEAN về ý đồ của Trung Quốc trong khu vực cũng làm đe dọa đến khả năng kiểm soát kết quả giải quyết vấn đề Campuchia của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc biết rằng Việt Nam đang xúc tiến ngoại giao với Mỹ, Trung Quốc e ngại nếu tiếp tục duy trì sự thù địch thì sẽ đẩy Việt Nam xích lại gần hơn với Mỹ, về lâu dài điều này rất bất lợi cho Trung Quốc[8].

Trong khi đó, việc nhà nước Việt Nam muốn bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc xuất phát từ những nguyên nhân sau[8]:

  • Vấn đề cấp bách nhất của Việt Nam khi đó là sự lạc hậu về kinh tế. Việt Nam bị Mỹ bao vây cấm vận, trong khi nguồn hỗ trợ chính là Liên Xô và các nước Đông Âu thì đang tan rã. Do vậy, việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam có được đối tác kinh tế mới rất tiềm năng: Trung Quốc là đất nước rộng lớn (diện tích đứng thứ 3 thế giới, sau Nga và Canada) và đông dân nhất thế giới, có tiềm năng rất lớn để trở thành siêu cường kinh tế, lại là láng giềng của Việt Nam nên việc buôn bán hàng hóa rất thuận lợi.
  • 10 năm chiến tranh tại biên giới Trung Quốc khiến Việt Nam hao tổn rất nhiều nhân lực và kinh tế. Ở thời điểm đó, thỏa hiệp với Trung Quốc để Việt Nam có thể tập trung phát triển là điều cần thiết. Bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc sẽ giúp chiến tranh ở biên giới chấm dứt.
  • Sau 10 năm Chiến tranh biên giới Tây Nam, về cơ bản Việt Nam đã ổn định được tình hình Campuchia, nhưng Khmer Đỏ vẫn chưa bị tiêu diệt hết (phần lớn là nhờ sự giúp sức của MỹTrung Quốc), lực lượng này vẫn có khả năng tiếp tục gây bất ổn tại Campuchia. Bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam có thể yên tâm rút quân khỏi Campuchia, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác với các nước ASEAN.
  • Việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc sẽ mở ra luôn cơ hội bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, do nước này luôn muốn tranh giành ảnh hưởng tại Đông Nam Á với Trung Quốc (thực tế về sau cho thấy chỉ 4 năm sau, Mỹ cũng đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam).

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hội nghị Thành Đô http://english.cpc.people.com.cn/66116/index9.html http://www.idcpc.org.cn/ziliao/tupian/ziliao/tupia... http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2015/12/1512... http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/vi... http://query.nytimes.com/gst/fullpage.html?res=9B0... http://www.nytimes.com/2005/03/01/world/asia/01iht... http://vi.rfi.fr/viet-nam/20141014-ke-tu-hoi-nghi-... http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20140906-viet-nam-... http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/nguoi-my-da-... http://www.danluan.org/tin-tuc/20120301/bui-tin-ch...